Phương pháp dùng kháng sinh


Thuốc kháng sinh là các chất có tác dụng diệt khuẩn hoặc chế khuẩn ở liều thấp . Thuốc kháng sinh có tính đặc hiệu nghĩa là nó có tác dụng ngăn cản sự sinh sản hoặc tiêu diệt vi khuẩn nhóm này mà không có tác dụng đối với vi khuẩn nhóm khác.

- Các chất kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn hoặc chế khuẩn đều nhờ có cấu trúc không gian tương tự với cấu trúc không gian của cơ chất nào đó của quá trình chuyển hóa. Bình thường cơ chất này đều được chuyển hóa thành sản phẩm tương ứng nhờ phản ứng sinh hóa có sự xúc tác của một enzym hoặc một chuỗi các enzym. Mặc dù các enzym không thay đổi thành phần hóa học sau phản ứng, nhưng trong một thời gian nhất định của phản ứng thành phần của chúng có sự thay đổi, chúng là những vật mang tạm thời các nhóm chức khác nhau phân cắt ra khỏi cơ chất mà sau đó tham gia vào phản ứng với nhóm chức khác cũng trong trung tâm hoạt động của chúng để tạo thành sản phẩm mới. Enzym có những tác dụng xúc tác là nhờ có phân tử lượng lớn và có khu vực có cấu trúc không gian tương thích với cấu trúc không gian (của cả hoặc chỉ một khu vực) của cơ chất. Vùng phân tử enzym mà cơ chất gắn kết tạm thời trong quá trình phản ứng gọi là trung tâm hoạt động của enzym. Trung tâm này tuy chiếm một phần rất nhỏ thể tích của phân tử enzym nhưng là miền trọng yếu của nó quyết định phản ứng có thể bắt đầu hay không (hoạt hóa hay vô hoạt) cũng như quy định tính đặc hiệu của phản ứng. Một khi trung tâm hoạt động của enzym không được hoạt hóa hoặc không ở trạng thái tự do thì enzym mất luôn khả năng xúc tác phản ứng vốn có của nó. Thuộc tính xúc tác của enzym có những cơ chế sinh hóa khác nhau nhưng trước hết trung tâm hoạt động của chúng phải ở trạng thái tự do và được hoạt hóa. Các chất kháng sinh tác động làm mất tính tự do của enzym. Phụ thuộc vào tính thuận nghịch hay không của sự kết hợp chất kháng sinh với trung tâm hoạt động của enzym mà ta có cơ chế cạnh tranh hay cơ chế che phủ. Về bản chất, hai cơ chế này tương tự nhau. Tuy nhiên, trong cơ chế cạnh tranh chất kháng sinh kết hợp một cách thuận nghịch với trung tâm hoạt động của enzym tương ứng, vì vậy chúng có tác dụng khi nồng độ khá cao và dễ bị mất tác dụng khi cơ chất chuyển hóa có nồng độ cao một cách áp đảo. Tuy vậy, do các enzym trong cơ thể thường được thay đổi thế hệ liên tục nên tính thuận nghịch của phản ứng kết hợp này giúp chất kháng sinh không bị đào thải cùng với enzym bị lão hóa mà được giải phóng và duy trì tác động trong thời gian kéo dài hơn với enzym mới được tổng hợp. Ngược lại, trong cơ chế che phủ chất kháng sinh kết hợp không thuận nghịch với trung tâm hoạt động của enzym làm phản ứng sinh hóa trên enzym đó không thể xảy ra cả khi hàm lượng chất kháng sinh thấp. Tuy vậy, khi cơ thể vi khuẩn tiếp tục tổng hợp enzym khác thay thế enzym lão hóa thì tác dụng của chất kháng sinh bị hạn chế. Khi đó ngoài yếu tố nồng độ khá cao thì chất kháng sinh muốn có tác dụng đối với vi khuẩn phải được bổ sung mới thường xuyên.

Điểm tác động
- Cơ chất cần chuyển hóa trong cơ thể vi khuẩn nói chung có nhiều loại cũng như số lượng chủng loại enzym là rất phong phú. Tuy nhiên có thể chia các phản ứng sinh hóa đó thành bốn điểm chính: vách tế bào, màng tế bào chất, bộ máy di truyền và bộ máy tổng hợp protein. Các chất kháng sinh vì vậy cũng có các điểm tác động ở các vùng tương ứng nêu trên. Như vậy các điểm tác động của chất kháng sinh có thể là vách tế bào, màng tế bào chất, cấu trúc nhân và ribosom.
- Các chất kháng sinh tác động đến vách tế bào (như penicillin) có đích tác động là enzym xúc tác quá trình kết nối các mạch hở của phân tử peptidoglycan là thành phần chính của vách tế bào (đặc biệt vi khuẩn Gram dương). Mạch hở này là kết quả tất yếu cần thiết cho sự phát triển về thể tích của vi khuẩn khi quá trình sinh trưởng xảy ra. Mối liên kết giữa các monomer của peptidoglycan liên tục được tháo ra bởi một enzym và ráp thêm monomer mới nhờ enzym khác. Khi enzym tái lắp ráp không hoạt động các mạch hở vách tế bào hình thành ngày càng nhiều làm vách tế bào không thể duy trì được tế bào chất ở bên trong. Màng tế bào chất khi đó bị vỡ dẫn đến việc dung giải tế bào vi khuẩn. Do ở các vi khuẩn Gram âm vách tế bào cấu tạo từ lớp peptidoglycan mỏng được bổ sung thêm màng ngoài cấu tạo từ lipopolysaccharid (LPS) và protein nên nói chung chúng thường ít mẫn cảm với các chất kháng sinh nhóm này.