Sự lạm dụng kháng sinh và kháng kháng sinh


Vi khuẩn mang tên Staphylococcus aureus kháng methicillin (viết tắt MRSA: Methicillin Resistant Staphylococcus aureus) đã được phát hiện ở lợn và những công nhân làm việc ở các trang trại nuôi lợn của Hà lan năm 2004, từ đó dòng vi khuẩn kháng thuốc này đã lan sang châu Âu, Canada và Mỹ và gây ra những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Vi khuẩn MRSA có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh, bao gồm penicillins (methicillin, dicloxacillin, nafcillin, oxacillin v.v..) và cephalosporins. Do kháng lại nhiều loại kháng sinh, bệnh gây ra do dòng vi khuẩn này trở nên rất khó điều trị.
Tạp chí của Hội Y học Mỹ số tháng 10 năm 2007 đưa tin, năm 2005 ở Mỹ hơn 100 ngàn ca bệnh gây ra bởi MRSA đã làm 18.600 người bị chết, trong khi cũng trong năm đó số người bị chết do HIV/AID chỉ là 17.000.
Biểu hiện ban đầu khi nhiễm MRSA là xuất hiện các mụn đỏ trên da, sau vài ngày các mụn đỏ này to ra, hình thành các nhọt có mủ và đau. Khoảng 75% ca bệnh gây ra bởi MRSA khu trú trên da và mô mềm và thường có thể khỏi sau khi điều trị. Tuy nhiên một vài chủng MRSA có độc lực mạnh, phát triển nhanh và gây tổn hại đến một số cơ quan như viêm phổi hoại tử, viêm màng tim truyền nhiễm, viêm khớp và gây nguy cơ tử vong cao.
MRSA lây do tiếp xúc, phổ biến là do tiếp xúc với nhân viên y tế, người bệnh và vật dụng của bệnh viện (người ta ước tính rằng có 46/1.000 người bệnh trong bệnh viện bị bệnh do nhiễm MRSA hoặc mang MRSA nhưng chưa phát bệnh).
Vi khuẩn Staphylococcus aurius và những vi khuẩn gây bệnh khác khi tiếp xúc với kháng sinh sẽ xuất hiện các gen kháng thuốc. Các gen kháng thuốc có thể truyền cho các vi khuẩn cùng loài cũng như các vi khuẩn khác loài và sinh sôi nảy nở theo cấp số nhân. Một khi vi khuẩn đã nhờn thuốc thì ngành y tế lại phải bỏ ra rất nhiều tiền của và công sức để tìm ra loại thuốc mới tiêu diệt chúng.
Hiện tượng nhờn thuốc là do con người lạm dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và cũng do kháng sinh dùng rộng rãi trong nông nghiệp (khoảng 70% kháng sinh sản xuất ở Mỹ được dùng trong nông nghiệp). Động vật nuôi thường được dùng kháng sinh với liều thấp để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng, kháng sinh đi vào cơ thể khi chúng ta ăn thịt và các thực phẩm động vật, thậm chí đi vào cơ thể khi chúng ta ăn các sản phẩm thực vật vì phân của con vật đem bón cho cây trồng có thể đem kháng sinh đến cho tất cả các mô thực vật bao gồm cả rễ, thân, lá, củ quả và hạt.
Để tránh hiện tượng nhờn thuốc thì trước hết ngành y tế phải có các biện pháp ngăn chặn sự lạm dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, còn ngành chăn nuôi thì hạn chế và chấm dứt việc dùng kháng sinh trong thức ăn với mục đích kích thích tăng trưởng.
Trong một nghiên cứu người ta đã thấy khi một loại kháng sinh được đưa vào chăn nuôi thì chỉ một hai năm sau đó đã xuất hiện bệnh nhiễm khuẩn kháng lại kháng sinh. Đó là trường hợp bệnh nhiễm khuẩn gây ra do Campylobacter, tỷ lệ người nhiễm bệnh đã tăng 20% ở Đan Mạch và 70% ở Tây Ban Nha.
Trong một nghiên cứu khác ở Úc người ta thấy rằng, sau khi nước này cấm sử dụng fluroquinolone trong tất cả các thực phẩm động vật thì chỉ có 2% người bệnh dương tính với dòng Campylobacter jeuni kháng thuốc, trong khi những nước cho phép dùng loại kháng sinh này thì tỷ lệ người bệnh dương tính với dòng vi khuẩn kháng thuốc cao tới 29% (dẫn theo Mercola.com).
Do tác hại to lớn của vấn đề kháng kháng sinh, các nước EU đã cấm sử dụng kháng sinh bổ sung vào thức ăn chăn nuôi từ ngày 1 tháng 1 năm 2006. Ở nước ta tuy nhiều loại kháng sinh chưa bị cấm sử dụng, nhưng người chăn nuôi cần ý thức về nguy hại của chúng và sử dụng chúng một cách hợp lý. Trước hết không dùng kháng sinh trong thức ăn của con vật làm giống, trong trường hợp cần thiết thì dùng kháng sinh thảo dược và các chế phẩm thay thế kháng sinh như axit hữu cơ, enzyme, kháng thể, probiotic, prebiotic. Đối với các con vật nuôi thương phẩm khi sử dụng thức ăn có bổ sung kháng sinh thì cần có thời gian ngừng thuốc trước khi giết thịt (thời gian này kéo dài 5-7 ngày tùy loại kháng sinh) và chỉ nên sử dụng kháng sinh trong những giai đoạn con vật dễ bị stress như cai sữa, chuyển đàn, chuyển mùa cùng với việc áp dụng chặt chẽ các điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học trong quy trình chăn nuôi.
 

GS Vũ Duy Giảng (25/08/2010 10:26)-http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/5/5/5/58179/Defau
Nguồn : http://www.vcn.vnn.vn/