Nguyên tắc khi sử dụng vaccine


Vacxin là chế phẩm sinh học được chế từ vi sinh vật đã bị giết chết (vacxin chết, vacxin vô hoạt) hoặc bị giảm độc (vacxin nhược độc)...

- Đối tượng tiêm vacxin: Dùng vacxin chủ yếu là phòng bệnh. Sau khi tiêm vacxin một thời gian nhất định động vật mới có miễn dịch. Cần chú ý các trường hợp sau. Ở nơi có ổ dịch cũ, do nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa nên hàng năm cần phải tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trước mùa phát bệnh. Ở nơi bệnh đang phát thì đối với động vật đã mắc bệnh cấm không được tiêm vacxin ngay mà phải dùng kháng huyết thanh hoặc kháng sinh thích hợp điều trị. Đối với động vật còn khỏe nhưng dễ bị lây nhiễm (do tiếp xúc với con bệnh) có thể tiêm kháng huyết thanh cùng một lúc với vacxin (nhưng ở vị trí khác nhau trên cơ thể). Đối với động vật khỏe mạnh hoặc ở động vật khu vực xung quanh ổ dịch thì tiêm ngay vacxin để tạo vành đai miễn dịch. Đối với động vật khác loài nhưng có cảm thụ với bệnh cũng có thể cần tiêm vacxin phòng bệnh đó.
- Động vật được tiêm nói chung phải khỏe mạnh. Không tiêm vacxin cho những con đang nung bệnh, những con quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ, những con mới thiến chưa lành vết thiến, những con có nhiều ký sinh trùng. Cũng không nên tiêm vacxin virut nhược độc cho động vật cái đang có chửa ở thời kỳ thai sớm (1/3 kỳ thai đầu tiên). Súc vật sau khi tiêm cần được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt, trâu bò cày kéo cần được nghỉ ngơi.
- Phải tiêm phòng liên tục (tiêm nhắc lại) do sau một thời gian kháng thể được tạo ra bởi sự cảm ứng của vacxin thường suy giảm đến mức hết hiệu lực và phải tiêm đạt tỷ lệ cao cho động vật thuộc diện phải tiêm để tạo miễn dịch tập đoàn bền vững. Chỗ tiêm phải sát trùng, dụng cụ tiêm phải tiêu độc. Liều lượng tiêm phải đúng theo sự chỉ dẫn của nơi chế tạo.
- Đường tiêm vacxin: vacxin thường được tiêm dưới da, nhất là các loại có chất bổ trợ, và tiêm với liều lượng lớn (vacxin formol keo phèn tụ huyết trùng, lợn đóng dấu,...). Có loại phải tiêm đúng dưới da để tránh phản ứng (vacxin nhược độc nhiệt thán). Các vacxin nhược độc (dịch tả trâu bò, dịch tả lợn qua thỏ) tiêm liều lượng nhỏ thì có thể tiêm dưới da hoặc bắp thịt. Một số vacxin có thể dùng cho uống, nhỏ mắt, nhỏ mũi, chủng vào dưới da, xát vào da, bơm vào không khí cho gia cầm hít (khí dung). Không tiêm vacxin vào mạch máu.
- Bảo quản vacxin: Vacxin phải được bảo quản tốt, ở trạng thái chuẩn bị tiêm cần để ở chỗ tối, râm mát, nhiệt độ bảo quản thích hợp (20 - 25 °C). Vacxin nhược độc chế từ virut trong quá trình tích trữ và vận chuyển phải bảo quản ở nhiệt độ thấp (-15 °C), nhưng nếu ở trạng thái đông khô thì chỉ được bảo quản lạnh (1 - 4 °C). Trước khi dùng phải kiểm tra phẩm chất thuốc, phải hủy bỏ vacxin quá hạn dùng, vacxin mất phẩm chất. Khi dùng các loại vacxin nhược độc, nhất là các loại có nha bào tránh làm vương vãi vacxin.

Phản ứng sau khi tiêm vacxin
- Súc vật có thể bị phản ứng do chất phụ trong vacxin, do tiêm vào cơ thể đang nung bệnh, tiêm sâu vào bắp thịt. Tiêm vacxin còn có thể làm tái phát các quá trình bệnh lý sẵn có trong cơ thể (bệnh lao), do làm những mầm bệnh có sẵn trong cơ thể trỗi dậy gây bệnh (tụ huyết trùng) gây ra những bệnh theo cơ chế dị ứng (viêm thận, viêm não). Tính phản ứng của động vật quá mạnh cũng gây nên phản ứng khi tiêm. Cần biết rõ nguyên nhân gây phản ứng để đề phòng hoặc can thiệp khi xảy ra.

Kế hoạch tiêm phòng vacxin
- Kế hoạch tiêm phòng được đề ra từ nhiệm vụ chính trị và kinh tế của địa phương, dựa vào kế hoạch phát triển chăn nuôi, tình hình dịch bệnh, đặc điểm về địa hình địa lý, phong tục tập quán của địa phương. Ngoài ra, còn phải dựa vào trình độ tổ chức lãnh đạo, lực lượng cán bộ, dụng cụ phương tiện của địa phương và khả năng thuốc tiêm phòng có thể cung cấp cho địa phương.
- Kế hoạch tiêm phòng phải định rõ:

  • Các bệnh cần tiêm phòng: Phải dựa vào kế hoạch của Nhà nước kết hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương và các vùng lân cận mà quyết định các bệnh cần tiêm phòng.
  • Các vùng cần tiêm phòng: Phải dựa vào đặc điểm địa phương kết hợp với tính chất của bệnh mà quyết định vùng tiêm phòng cụ thể cho từng loại bệnh. Nói chung, cần phải tiêm ở những vùng có ổ dịch cũ, những vùng hàng năm bị dịch đe dọa, những vùng ở hai bên đường giao thông trọng yếu, quanh các chợ, các xí nghiệp chế biến thú sản, vùng biên giới,... Các trại chăn nuôi tập trung phải được tiêm phòng triệt để.
  • Tỷ lệ tiêm phòng: Tùy theo tính chất của từng bệnh, mức độ uy hiếp của bệnh đó, tùy theo vùng, tùy loại động vật nuôi, tùy theo phương hướng và nhiệm vụ phát triển loại động vật nuôi mà quyết định cụ thể tỷ lệ tiêm phòng. Nói chung phải đạt tỷ lệ thấp nhất là 80%. Ở các vùng bị dịch uy hiếp phải đạt tỷ lệ từ 90 - 95%.
  • Lịch tiêm phòng: Lịch tiêm phòng được xây dựng dựa vào mùa phát bệnh của từng bệnh (tiêm phòng nhiệt thán trước mùa mưa ở vùng đồng bằng và trước mùa hanh khô ở miền núi) và thời gian cho miễn dịch của vacxin (ví dụ, vacxin dịch tả lợn cho miễn dịch một năm, nên chỉ cần tiêm mỗi năm một lần nhưng phải tiêm thường xuyên, tiêm bổ sung cho những đầu gia súc mới sinh). Có khi phải dựa vào tính chất của vacxin nếu vacxin đòi hỏi phải dùng vào thời tiết thích hợp.

- Nói chung đối với động vật nông nghiệp, nên tiêm phòng trước mùa phát bệnh độ một tháng, tránh lúc gia súc phải làm việc mệt nhọc hoặc thiếu thức ăn. Ngoài đợt tiêm chính, trong năm cần có những đợt tiêm bổ sung.

  • Kế hoạch về nguyên liệu, dụng cụ phương tiện dùng cho tiêm phòng: Căn cứ vào số đợt tiêm phòng, diện tiêm, số lượng động vật, loại bệnh tiêm mà dự trù số lượng vacxin hay kháng huyết thanh, hóa chất, dụng cụ,...
  • Kế hoạch cán bộ: Phải có kế hoạch về số người phục vụ tiêm phòng, phụ chế thuốc, theo dõi động vật sau khi tiêm.